Các sòng bạc biên giới đang chết dần - Phần 1
Viet Xuka | 10/16/2013 |
Tin Casino
Chỉ một thời gian ngắn sau những đòn thanh trừng của thế giới ngầm, hàng loạt các casino dọc biên giới Việt Nam - Campuchia phải đóng cửa. Số còn lại chỉ sống “thoi thóp”, hoạt động cầm chừng.
Cuối tháng 6.2012, báo chí Campuchia đưa tin Hà Tiên Vegas, một tổ hợp giải trí khổng lồ nằm trên địa phận tỉnh Kampot, giáp biên với TX.Hà Tiên (Kiên Giang) phải cắt giảm 500 nhân viên, đóng cửa khu nghỉ dưỡng 130 phòng do làm ăn lỗ lã. So với trên 50 casino lớn nhỏ nằm dọc theo tuyến biên giới thì Hà Tiên Vegas được đánh giá có mức đầu tư lớn, hoạt động chính quy, xen kẽ sòng bạc và các khu phức hợp giải trí, nghỉ dưỡng, mua sắm… với đối tượng chính là khách du lịch quốc tế. Nhưng “linh hồn” của tổ hợp này vẫn là casino với người chơi phần lớn là các con bạc Việt Nam.
Tiếp xúc với PV, ông Nguyễn Đăng Thìn, Giám đốc tiếp thị của Hà Tiên Vegas cho biết, nguyên nhân dẫn đến tình cảnh khó khăn của Hà Tiên Vegas là do lượng khách từ Việt Nam đã ít dần và xuất hiện nhiều đối thủ cạnh tranh trong khu vực.
<>Hàng loạt casino đóng cửa
Theo điều tra của Thanh Niên, trong thời gian ngắn, chỉ riêng khu vực Prek Chak, H.Kampong Trach, tỉnh Kampot giáp ranh cửa khẩu quốc tế Xà Xía, TX.Hà Tiên liên tiếp mọc lên 6 casino. Ngoài Hà Tiên Vegas, lần lượt xuất hiện các casino Sunrise M, Vimarn, Chung Club, Long Ho và casino Sunday, chưa kể dự án casino Dreamworld vừa triển khai đã phải ngưng do xây dựng trái phép; đã có 4 casino trong số đó đóng cửa. Tại khu vực này hiện chỉ còn Hà Tiên Vegas hoạt động do “mạnh vì gạo, bạo vì tiền” và casino Sunday, do vị trí nằm ngoài trạm kiểm soát Công an cửa khẩu Campuchia, nên đã “hớt tay trên” các con bạc Việt Nam từ các casino khác.
Theo điều tra của cơ quan chức năng, so với năm ngoái, lượng khách từ Việt Nam qua các casino dọc biên giới giảm đến 80%. Bên cạnh việc các cơ quan chức năng Việt Nam tăng cường dẹp tệ nạn tại khu vực xuất cảnh, báo chí trong nước cảnh tỉnh và các thủ đoạn làm ăn kiểu xã hội đen của nhiều casino đã khiến con bạc chùn tay, dẫn đến nhiều casino rơi vào lỗ lã.
Không chỉ khu vực giáp ranh TX.Hà Tiên, cảnh vắng vẻ cũng dễ thấy ở nhiều casino trên suốt chiều dài dọc biên giới Việt Nam - Campuchia. Nhiều casino vắng đến mức chúng tôi bắt gặp cả các dealer (nhân viên chia bài) phải… ngủ gật trên bàn. Trên đường đến casino New York Diamon, giáp ranh với xã Khánh Hưng (H.Vĩnh Hưng, Long An), một cảnh sát biên giới Campuchia cho hay, chưa bao giờ lượng người qua casino này vắng như thế. Nếu như cách nay 1 năm, mỗi ngày có hàng trăm con bạc đến casino này, thì nay số ấy chỉ còn không tới 10%.
Anh xe ôm tên N., chuyên dẫn khách qua casino New York Diamon cho biết thêm, có ngày casino này đón chưa tới 10 khách chơi. Cách casino New York Diamon không xa, casino giáp ranh cửa khẩu Long Khốt cũng đã đóng cửa nhiều tháng nay.
Ngược lên cửa khẩu Bình Hiệp (H.Mộc Hóa, Long An), giáp ranh khu vực Pray Vor (tỉnh Svay Riêng) có 4 casino trước đây hoạt động rầm rộ gồm Rubi, Darling, Lucky và casino 333 thì đến nay, ngoài casino 333 đã đóng cửa, các casino còn lại chỉ hoạt động cầm chừng. Tại cửa khẩu Mỹ Quý Tây (H.Đức Huệ, Long An), casino 999 trước đây từng hoạt động rầm rộ nay cũng đã ngưng hoạt động.
Cảnh vắng vẻ bên trong casino New York Diamon - Ảnh: Tiến Trình
<>Nổ súng vào nhau
Một chủ casino ở Pray Vor cho biết, hàng loạt casino “cáo chung” là điều tất yếu. Cũng theo người này, một casino cỡ trung bình như casino Rubi hay Darling, số nhân viên cũng từ 300 đến 400 người. Nếu tính riêng chuyện ăn uống, cộng với khách chơi thì mỗi ngày casino này phải chi phí cho trên 500 người ăn. Cộng với tiền công nhân viên thì mỗi tháng chi phí “phần cứng” mà một casino phải tốn ít nhất 200.000 USD. Đó là chưa kể những khoản “phí mềm” khác. Trong khi đó, có người vốn lận lưng chưa tới 1 triệu USD cũng đứng ra mở casino.
Trước tình hình đó, nhiều casino đã “phát triển nguồn khách” bằng cách nuôi bộ phận cò mồi. Đưa được một người chơi vào cửa casino, một cò sẽ được hưởng từ 200.000 đến 350.000 đồng. Và “chính sách” này của các casino lập tức trở thành miếng mồi của các tay dắt mối. Một thời gian các “cò” dẫn người vào casino nhưng… không chơi bài, mà chủ yếu để lấy hoa hồng trên đầu người rồi chia nhau, hoặc lởn vởn quanh các bàn để làm “cái bang”, chờ kiếm lưu linh (hoa hồng casino thưởng cho người chơi trên số tiền phóng bạc).
Khi “bài” này bị phát hiện, chủ casino cho camera ghi hình và điểm mặt từng “cái bang”, các casino không trả tiền cho người không chơi bài. Thậm chí, khi một người vừa bước vào cửa sẽ lập tức bị camera theo dõi. Họ chơi bài gì, số tiền bao nhiêu… đều được báo lại với người quan sát. Tuy nhiên, có quan sát mấy thì ở mỗi casino đều có đất sống của dân “xào chẻ”. Anh H., một cò mồi ở Mộc Hóa nói thật, mỗi ngày anh chỉ cần tìm một vài người bỏ công qua bên kia biên giới là anh có thể kiếm được vài trăm cho đến bạc triệu. Thậm chí trước khi đến casino, “cò” trao cho “khách” một số tiền. Những “khách” này thường tìm đến bàn chơi có quy định mức ăn thua ngang nhau như tài xỉu hay long hổ để chơi. Khi người này đặt tiền vào nhà con thì người khác đặt tiền vào nhà cái, sao cho nhà cái hay nhà con thắng thì cũng có thể thu hồi vốn. Cứ thế, đến cuối buổi chơi thì dân “xào chẻ” vừa không mất “vốn” mà còn được hoa hồng để chia nhau. “Do vậy, chỉ có con bạc chết, casino chết chứ dân “xào chẻ” thì chẳng sao cả”, H. phân tích.
Tuy nhiên, cho dù có bị dân “xào chẻ” móc túi thì cũng chẳng hề hấn gì ở những casino này. Quản lý lâu năm tại một casino ở Pray Vor cho biết, phần lớn casino “chết theo con bạc”, ngoài ra các casino này đã “giết nhau” và “tự giết mình” bởi những trò gian lận, đấu đá, thâu tóm lẫn nhau…
Thậm chí, đã có chuyện vì cạnh tranh mà hai thế lực casino đã nổ súng vào nhau, làm náo động một vùng biên giới. Nạn nhân bị dính đạn sau đó không dám về Pnôm Pênh mà được đưa sang Việt Nam điều trị. Hung thủ ngồi tù một thời gian rồi cũng nhanh chóng trở lại với “nghề cũ”.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét